10 Ngày Liên Tục Viết Morning Pages Của Ri
Có 1 dạo Ri không bắt đầu công việc vào buổi sáng được. Dậy ăn sáng xong là loay hoay những chuyện lặt vặt trong nhà, rep tin nhắn trợ lý, xem cái này 1 chút, cái kia 1 tẹo, cảm thấy mình cần phải làm 1 cái gì đó, không được để thời gian trống. Đến khi bình tĩnh lại thì ồ, đã 1 giờ chiều rồi. Sáng nay mình vừa làm gì nhỉ?
Tầm 1 tuần như này là Ri đã biết sức khỏe tinh thần của mình cần “khám”. Con tim mách bảo Ri là nó cần 1 chiếc routine để có chỗ “neo” cái tâm trí chơi vơi lúc mở mắt đầu ngày. Và Ri nhớ đến Morning Pages - 1 bước trong chu trình buổi sáng của chị Chi Nguyễn (The Present Writer).
Morning Pages là gì?
Là viết tự do đầy 3 trang vào mỗi buổi sáng. Viết bất cứ điều gì đến trong đầu, không cần đúng chính tả, câu cú. Không cho ai xem, chỉ giữ cho mình. Người lan tỏa concept journaling này là Juila Cameron qua quyển Đánh Thức Bản Ngã Nghệ Sĩ (The Artist’s Way)
Ri biết công cụ Morning Pages này từ hơn 2 năm trước qua 1 số productivity vlogger như Ali Abdaal hay Tim Ferris rồi nhưng chưa thử vì thấy hông cần. Bình thường trong ngày Ri cũng viết khá nhiều rồi, nên cho rằng Morning Pages chắc dành cho người ít viết hoặc người hay over-thinking thôi. Hông phải thứ dành cho mình, Ri nghĩ thế.
Nhưng cái dạo “quay cuồng buổi sáng” ở trên ấy, vũ trụ đưa từ khóa #MorningPages vào đầu Ri những vài lần. Thế là cô bé Ri ngoan ngoãn đi ngâm cứu cách viết, cảm thấy tương đối thuyết phục và quyết định thử 10 ngày xem sao.
2. Cô bé Ri đã thực hành Morning Pages như thế nào?
Thứ đầu tiên cô bé quan tâm là kích thước tờ giấy. 3 trang là A5 A6 hay A4? Dòng 0.5 hay 0.7cm ? Có số lượng chữ khuyến nghị hay không? Julia Cameron bảo nên viết trên A4.
Nhưng Ri rất là rén, mới tập tành chơi thôi mà viết kín 3 tờ a4 mỗi ngày là thành luyện thi HSG văn cấp tỉnh rồi còn gì? Nên kích thước giấy cuối cùng được chọn là A5, thậm chí còn ăn gian xài loại kẻ ngang giãn 0.8cm để viết cho mau hết nữa.
Bạn chơi journal chung hay bảo “Sao bà Ri viết sổ lắm thể, trang nào cũng đầy chữ!”, thì bạn cũng có thể hiểu là Ri có sức viết cho mình khá ổn. Ri bắt đầu Morning Pages bằng việc nói về thời tiết, về tình trạng cơ thể và tâm trạng sau khi thức dậy, những tưởng nó sẽ mở khóa cho dòng suy nghĩ đi sâu hơn. Nhưng không. Tầm nửa trang đầu tiên là cô bé Ri bí lù. Ri viết xuống giấy “Mình đã bí lù, mình không biết viết gì tiếp theo. Thực sự luôn. Viết gì tiếp theo bây giờ nhỉ?”
Ri đã dùng mọi chiêu trò để lấp kín trang giấy: mô tả cây bút, cái bàn, anh Gojek mới chạy ngang cửa sổ, nhâm nhẩm 1 lời bài hát rồi chép ra giấy,… Với 1 mục tiêu duy nhất là không để tay ngừng viết. Phải luôn đảm bảo mình chụp được con thoi suy nghĩ trong đầu. Và điều kỳ diệu dần xảy ra.
Điều kỳ diệu hay đến ở trang số 3. Khi suy nghĩ bằng 1 cách nào đó đã dồn thành “dòng”. Nơ-ron não dẫn truyền xung điện mạnh mẽ, liên kết mọi trải nghiệm sống thành 1 đống ý tưởng, concept, suy nghiệm hay không tưởng. Hoặc nếu đang đau đầu nhức óc vì 1 vấn đề, trang số 3 sẽ cho ra đáp án. Thường là vậy. Ri gọi trạng thái ở trang số 3 này là “vào guồng”.
Càng về những ngày sau (day 6, 7, 8), đầu óc càng “vào guồng” nhanh. Cảm giác “vào guồng” có lẽ chính là cảm giác thăng hoa trong hoạt động thiền. Vì khi ấy dù đang viết, Ri vẫn có thể cảm thấy 5 giác quan của mình mở rộng, cảm nhận mọi thứ xung quanh 1 cách tinh tế và có thể hạnh phúc chỉ với 1 cơn gió thổi bay cái lông trên tay.
Nhưng sự thăng hoa trên cũng không kéo dài lâu, chỉ tầm 1 - 3 phút là mình trở lại bình thường rồi. Đó cũng không phải là giá trị lớn nhất mà Ri nhận được. Cái đáng giá nhất sau 3 trang Morning Pages là sự bình tĩnh nội tại ở đầu ngày, cảm giác đã như vừa tập xong 1 buổi workout nặng đô cho não. Người lâng lâng và sẵn sàng đón nhận bất kỳ thử thách, công việc nào.
3. 1 số tips khi thực hành Morning Pages của Ri
- Tuy Julia bảo là nên viết lúc sáng vừa ngủ dậy, đầu óc còn chưa bị sốt ruột vì những việc vụn vặt kéo đến là tốt nhất, nhưng bạn không nên để bụng rỗng, mà phải đảm bảo là mình không đói (ăn 1 tẹo bánh, uống 1 tụng nước hay 1 cốc bột đậu xanh) và ngồi ở 1 chỗ yên tĩnh không ai làm phiền (nhà có người thì đeo tai nghe, tỏ ý
- “Đang bận, đừng khều”) Ri đã thử để đói ngồi viết và chẳng viết được gì cả. - Để sẵn bộ đồ nghề Morning Page ở góc bàn. Sáng dậy là có tai nghe, giấy bút, ghế ở chung một chỗ, đỡ trì hoãn.
- Nếu thấy khó khăn trong chuyện viết đầy 3 trang A5 chữ nhỏ xíu như Ri thì đừng ngại đổi sang giấy A6 hay giãn dòng viết. Hôm trước Ri tia vlog của chị Chi thì thấy chị viết Morning Pages không nhiều như Ri tưởng tượng đâu, mỗi trang chỉ tầm mười mấy dòng thôi mà chữ cũng to to đấy. Biết xong nhẹ nhõm hẳn luôn vì viết khá là mất thời gian, Ri tốn tầm 40 phút - 1 tiếng mới viết xong. Nên để viết mỗi ngày chắc là cần thu nhỏ trang lại.
Viết liên tục 10 ngày thực sự không dễ xíu nào. Có mấy ngày Ri về quê chồng, sáng vẫn cặm cụi lôi giấy ra ngồi trước hiên viết làm mẹ chồng tưởng việc nhiều lắm, bảnh mắt ra đã phải làm. Nên mẹ mua cua gạch về cho ăn tẩm bổ ahihi.
Hiện tại thì Ri không duy trì mỗi ngày mỗi viết nữa, 1 phần là do lười, 1 phần là con tim bảo chưa cần thiết. Có vài hôm Ri cố gắng duy trì thành thói quen, nhưng càng viết càng không thấy bình tĩnh mà thấy khó chịu. Ri phát hiện mình không hay nghĩ nhiều vào sáng sớm, nên càng viết càng thấy rỗng không. Nhưng trong ngày thì sẽ có những lúc đầu óc bưng bưng, cần chỗ xả, khi này ngồi viết thì lại thấy rất hiệu quả. Kiểu viết giữa ngày là 1 khái niệm rộng hơn Morning Pages, gọi là Free Pages Journaling. Mỗi khi đầu nặng suy nghĩ, hãy lấy giấy ra viết, viết tầm 3 trang là nhẹ nhõm ngay.
Vài dòng trải nghiệm này mong sẽ mang lại cho bạn thêm góc nhìn về Morning Pages cũng như journling nói chung. Nếu có thắc mắc hoặc muốn Ri chia sẻ thêm về “viết cho mình” (journaling) để chữa lành, bồi dưỡng sức khỏe tinh thần hoặc phát triển bản thân thì hãy comment trên Youtube Community hoặc email về happyhidari@gmail.com nhé!
Hẹn gặp lại bạn!