Một số thuật ngữ thường dùng về sổ
Hiểu hơn về chất lượng sổ để dễ chọn lựa chỉ bằng 1 số từ khóa.
Giải nghĩa 1 số từ mình hay dùng khi review sổ và cung cấp cho bạn 1 số kiến thức của mình về sổ nha!
Bleeding: hằn quá mặt sau. Hiện tượng mực thấm qua mặt sau của giấy, thường xuất hiện khi chất lượng giấy thấp (mỏng, ép không chặt) hoặc khi mực của bút ra quá nhiều / bút có gốc cồn.
Ghosting: thấu trang. Hiện tượng mực hiện ra mờ mờ ở mặt còn lại của trang giấy. Trừ những loại giấy dày 200gsm+ hoặc giấy mỹ thuật, giấy màu nước, còn lại thì giấy thường vẫn hay ghosting ít nhiều. Mực màu sẫm ghosting nhiều hơn màu nhạt. Giấy cùng độ dày thì tuỳ chất lượng mà độ ghosting cũng không giống nhau.
Feathering: mực loang theo sợi như lông chim. Hiện tượng này thường chỉ gặp ở những loại giấy rất kém chất lượng (giấy tập cũ nè) hoặc những loại giấy mỹ thuật ép nhiều thành phần dạng sợi. Thường loại giấy bị hiện tượng này sẽ kèm theo cả ghosting và bleeding, cho trải nghiệm viết rất kém.
GSM: đơn vị đo độ dày của giấy - gam / square meter - mỗi mét vuông giấy nặng bao nhiêu gam. Giấy in thông thường tầm 70gsm, giấy sổ thì Ri thấy tốt nhất nên từ 100gsm+. Loại giấy sổ ghi chép dày nhất hiện tại là 160gsm (sổ Dream Comes True).
Độ láng mịn: Tuỳ vào cách ép giấy hoặc kỹ thuật khác trong làm giấy mà mỗi loại giấy có độ láng khác nhau. Giấy chuyên dùng cho mỹ thuật thường có bề mặt (texture) hơi gồ ghề, nham nhám như giấy sketch, giấy vẽ màu nước,... Dùng để vẽ sẽ tạo cho bức tranh thêm 1 chút chiều sâu và nhìn đẹp hơn vẽ trên giấy láng. Giấy sổ thì càng láng viết sẽ càng nhanh và càng ít hao tổn ngòi bút (nhất là bút brush), tuy nhiên láng quá thì thì thường lâu khô mực.
Sổ mở phẳng: Khi mở sổ thành góc 180 độ thì phần gáy không bị nhô giấy lên. Hai trang sổ ở hai bên nối tiếp liền mạch với nhau. Việc này không chỉ đảm bảo người viết không bị cấn má bàn tay mà còn tạo độ thẩm mỹ và giúp tận dụng được hai trang viết cạnh nhau.
Gáy dán: Là cách đóng 1 tệp giấy lại bằng cách tô keo lên trọn 1 cạnh tệp. Thường dùng trong đóng cách loại sách, truyện tranh. Keo này thường có kết cấu giống keo sữa, nên những ai muốn tháo sách gáy dán có thể quay sách trong lò vi sóng tầm vài phút để keo chảy ra là có thể tháo sách mà không bị dính / xé trang.
Gáy may: Mỗi tệp giấy được gấp đôi như tập học thông thường và may ở giữa lại bằng chỉ. Gộp nhiều tệp lại để tạo thành quyển dày. Đây là kỹ thuật thường thấy trong đóng sổ và là điều kiện tiên quyết để tạo thành sổ mở phẳng (lưu ý nếu may không kỹ thì vẫn không mở phẳng được). Sau khi sổ được may gáy xong thì hãng có thể thêm bìa tuỳ ý bên ngoài, bìa có thể che cả gáy hoặc để trần gáy (như sổ Furiin).
Gáy lò xo: Tệp giấy được đục lỗ ở 1 bên và công cụ (còng sổ, vòng khuyên) cố định gáy lại. Có rất nhiều hình thức cố định gáy sổ kiểu này như lò xo xoắn kim loại (không dùng cho mục đích thay trang), còng sổ nhựa / kim loại, khuyên tròn nhựa / kim loại hoặc cố định bằng đĩa nếu tệp giấy đục lỗ hình nấm. Ưu điểm loại gáy này là thường thay trang ra vô được, tiện dụng và có thể tái dùng còng cho 1 quyển sổ mới. Khuyết điểm là thường còng khá to, lúc viết dễ bị cấn má bàn tay, cần phải kê 1 tệp dày bên dưới để nâng chiều cao trang đang viết lên bằng với còng mới dễ được.
Tráng keo: 1 kỹ thuật gần đây của nhà làm giấy giúp bề mặt giấy không bị thấm mực lem qua mặt sau, hạn chế thấu trang nhưng khuyết điểm là mực không thấm xuống sợi giấy đủ nhanh, lâu khô dẫn đến dễ lem chữ.